Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

Tiến sĩ sức khỏe môi trường: Con đường phơi nhiễm styren và cách đào thải ra ngoài cơ thể

Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, Trường Đại học Y tế công cộng  xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, trước những thông tin nói về nguồn nước mà một số hộ dân đang dùng bị nhiễm Styren khiến nhiều người  lo ngại về sức khỏe cho người sử dụng, TS có thể cho độc giả của Báo Sức khỏe & Đời sống hiểu rõ hơn về chất Styren này như thế nào?

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh: Styren là một hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, gần như không tan trong nước, có công thức hóa học là C8H8 và là một Hidrocacbon thơm không no. Với chỉ một hàm lượng nhỏ khoảng 0,07μg/lít thì mùi styren đã dễ dàng nhận thấy trong nước.

Trong không khí thì Styren có tính phản ứng mạnh và có thời gian bán huỷ khá ngắn, chỉ khoảng 2 giờ và bị ôxy hoá thành aldehyde, ketone và axit benzoic. Styren viết đầy đủ tên tiếng Anh là styrene và theo Tổ chức Y tế thế giới thì chất này còn được được gọi là phenylethene, vinylbenzene, ethenylbenzene, styrol… Styren là rất dễ cháy và bốc hơi dễ dàng.

Styren dễ dàng tham gia với một số phản ứng cộng, phản ứng trùng ngưng nên được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp vật liệu làm polyme và sản xuất keo dính. Styren được sử dụng để làm polystyrene để sản xuất nhựa, túi xốp, bao bì, nhựa vật liệu xây dựng. Sản phẩm có chứa polystyrene rất đa dạng, bao gồm các tấm cách nhiệt, bao bì, ống nhựa, lớp lót tủ lạnh, băng tải, thiết bị điện… Styren được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm khác như lốp xe, ống, bể chứa, thảm lót nền, sơn. Có nhiều sản phẩm tiêu dùng phổ biến được thực hiện với styrene hoặc polystyrene như giày dép, đồ chơi, hộp xốp đựng thức ăn, gạch lát sàn nhà, sáp đánh bóng sàn và, chất kết dính, hộp mực máy in.

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường- Trường Đại học Y tế công cộng.

Phóng viên: Vậy, TS có thể cho biết ảnh hưởng của styren tới sức khoẻ ?

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh: Styren có thể gây ra những ảnh hưởng sức khoẻ cấp tính và mãn tính. Tiếp xúc nghề nghiệp với styrene có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương. Phơi nhiễm cấp tính ở nồng độ cao có thể gây kích ứng mắt, mũi, cổ họng và hệ thống hô hấp, cảm giác đau đầu, suy nhược, chóng mặt, lú lẫn, buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, da nhạy cảm, viêm da, hen suyễn, trầm cảm… Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra bệnh não, tổn thương gan, tổn thương mô thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng thận, ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, thính giác và thị giác kém. Phơi nhiễm mãn tính với styren gây ung thư phổi ở chuột nhắt và ung thư vú ở chuột.

Styrene-7,8-oxide gây ung thư dạ dày ở chuột và chuột nhắt cũng như ung thư gan ở chuột nhắt. Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy công nhân sản xuất styren có tỉ lệ mới mắc và tỉ lệ tử vong do ung thư bạnh cầu cao hơn nhóm chứng. Một số bằng chứng gợi ý về phơi nhiễm với styren và ung thư tuyến tuỵ, ung thư thực quản.

Nước thải đổ ra tại Hòa Bình gây ảnh hưởng đến nguồn nước máy sông Đà.

Phóng viên: TS có thể cho biết các đường phơi nhiễm chính với styren là từ đâu và styren được đào thải ra ngoài cơ thể bằng cách nào?

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh: Chúng ta có thể bị phơi nhiễm với styrene tại nơi làm việc, ở ngoài môi trường và ở nhà. Nồng độ Styren trong nước đã xử lý thường rất nhỏ. Ví dụ nồng độ của Styren được tìm thấy trong nước uống ở Mỹ thường dưới 1 µg/lít. Con người có thể phơi nhiễm với Styren từ không khí ô nhiễm, từ hút thuốc lá, từ nước uống và thực phẩm.

Ví dụ theo Tổ chức y tế thế giới, mức phơi nhiễm trong cộng đồng thường khoảng 40 µg/người/ngày đối với những người không hút thuốc lá và không sống ở khu có sản xuất công nghiệp. Trong đó, phơi nhiễm với Styren trong không khí xung quanh khoảng 2 µg/ngày, còn hít phải khí thải giao thông thì phơi nhiễm khoảng 10–50 µg/ngày, phơi nhiễm từ thực phẩm khoảng 5 µg/ngày do ăn các thực phẩm đựng trong các đồ hộp làm từ polystyrene, còn phơi nhiễm từ nước uống thì rất nhỏ. Với những người hút thuốc lá thì nguồn phơi nhiễm chính là từ thuốc lá và ước tính lên tới 500 µg/ngày nếu hút 10-20 điếu thuốc. Mức phơi nhiễm với styren ở người hút thuốc lá thường cao gấp khoảng 6 lần so với người không hút thuốc. Khi ăn uống, hít thở vào, chất này dễ dàng hấp thụ vào máu và sau đó được đào thải ra khỏi cơ thể, chủ yếu qua đường nước tiểu. Nghiên cứu trên chuột cho thấy sau khi phơi nhiễm với styren thì khoảng hơn 90% được thải ra ngoài qua đường nước tiểu trong vòng 24 giờ, ngoài ra khoảng 2% liều phơi nhiễm được tìm thấy trong phân.

Phóng viên: Trước những lo lắng của người dân về quy chuẩn nước uống nhiễm styren,  vậy thưa TS ở Việt Nam có tiêu chuẩn hay quy chuẩn về styren trong nước uống chưa?

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh: Có, theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế (QCVN 01:2009/BYT) thì giới hạn cho phép đối với styren là 20 μg/lít nước. Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra ngưỡng khuyến cáo là 20 μg/lít nước đối với nước ăn uống. Theo thông tư Số: 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 Ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt” thì QCVN 01:2009/BYT vẫn tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2021 khi Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt được ban hành và có hiệu lực. Hiện nay Hà Nội và các địa phương chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương nên QCVN01 vẫn có hiệu lực ở thời điểm này và giới hạn tố đa cho phép với styren là 20 μg/lít nước.

Phóng viên: Vậy bà khuyến cáo gì với người dân trong tình huống nguồn nước đang nhiễm styren?

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh: Trước mắt người dân ở các quận đang sử dụng nguồn nước do Nhà máy Nước sạch sông Đà cấp thì tạm thời tìm nguồn nước khác thay thế để ăn, uống cho đến khi Cơ quan chức năng khẳng định nguồn nước đã đảm bảo an toàn. Súc rửa các bể chứa nước trước khi có nguồn nước sạch đảm bảo an toàn. Tắm giặt và vệ sinh thì ít nguy cơ hơn vì nồng độ styren mặc dù vượt quy chuẩn cho phép nhưng không quá cao, tuy nhiên mùi nước bị nhiễm styren thường khó chịu. Các thiết bị lọc nước ở hộ gia đình có sử dụng than hoạt tính cũng giúp xử lý nước nhiễm styren. Ngoài ra, để giảm thiểu phơi nhiễm với styren thì cũng cần giảm/bỏ thuốc lá, hạn chế sử dụng các đồ dùng làm từ styren như hộp xốp, đĩa đựng thức ăn, ly uống cà phê, cốc nước một lần. Tránh đựng đồ nóng trong những hộp nhựa đựng thức ăn…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn TS!

Khánh Mai ( thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét